Công ty TNHH MTV Thoát nước và PTĐT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
Tin tức

 

TỪ MỘT CÔNG NHÂN KỸ THUẬT, ÔNG HOÀNG ĐỨC THẢO ĐÃ TRỞ THÀNH NHÀ KHOA HỌC SỞ HỮU NHIỀU KỶ LỤC TRONG NƯỚC VÀ THẾ GIỚI, MỘT LÃNH ĐẠO DOANH NGHIỆP BẢN LĨNH VÀ TRÍ TUỆ.

 ÔNG HOÀNG ĐỨC THẢO, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VIỆT NAM (BUSADCO), ĐƯỢC CHỦ TỊCH NƯỚC PHONG TẶNG DANH HIỆU AHLĐ TỪ NĂM 2010 VỚI THÀNH TÍCH ĐẶC BIỆT XUẤT SẮC TRONG LAO ĐỘNG, SÁNG TẠO.

TRONG HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO DOANH NGHIỆP VÀ NỖ LỰC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, ÔNG LIÊN TỤC CHINH PHỤC NHỮNG THỬ THÁCH KHOA HỌC MỚI, NHƯ CUỘC CHỐNG CHỌI VỚI GIÔNG TỐ ĐỂ BẢO VỆ BỜ SÔNG, HỒ VÀ ĐÊ BIỂN VIỆT NAM. ÔNG KHÔNG BAO GIỜ TỪ BỎ DÙ GẶP BẤT CỨ KHÓ KHĂN NÀO KHI XUNG PHONG VÀO NƠI ĐẦU SÓNG NGỌN GIÓ NHẤT Ở BIỂN TIỀN HẢI - THÁI BÌNH HAY KHI CHỐNG CHỌI BÃO TỐ Ở ĐẤT MŨI CÀ MAU. LÀ TỔNG CHỈ HUY CÔNG TRƯỜNG, ÔNG SÂU SÁT TỪNG GỐC CÂY, MẠCH NƯỚC Ở BỜ HỒ GƯƠM, VỊ TRÍ LINH THIÊNG NHẤT CỦA THỦ ĐÔ HÀ NỘI.

ÔNG HOÀNG ĐỨC THẢO LÀ NGƯỜI CÓ TRONG TAY CẢ MỘT KHO “KHỔNG LỒ” NHỮNG VĂN BẰNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ… ĐÓ LÀ DẤU ẤN MÀ MỌI NGƯỜI NHỚ VỀ ÔNG - ANH HÙNG LAO ĐỘNG - NHÀ KHOA HỌC ĐƯỢC TRAO TẶNG GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH.

TỪ CÔNG NHÂN ĐẾN NHÀ KHOA HỌC XUẤT SẮC

Ông Hoàng Đức Thảo sinh năm 1960, lớn lên tại xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình thuần nông. Ông có 6 anh em và tất cả đều được cha mẹ dạy cho thành thạo công việc nhà nông, biết đổ mồ hôi để làm nên hạt lúa, củ khoai từ nhỏ. Từ năm 13 tuổi, ông Thảo đã biết cày bừa, cấy lúa, giúp công việc gia đình.

Tháng 10.1977, ông Thảo có giấy báo nhập học ngành cơ khí xây dựng, do Trường đào tạo công nhân xây dựng số 10, thuộc Bộ Xây dựng, tuyển sinh. Lần đầu tiên, ông Hoàng Đức Thảo bước ra khỏi lũy tre làng để tới một vùng quê xa lạ ở khu Mỏ Chè, Phổ Yên, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) nhập học.

Tháng 8.1979, sau khi tốt nghiệp, ông cùng hàng ngàn công nhân trẻ, theo lời kêu gọi của đất nước lúc bấy giờ, đi xây dựng nhà máy xi măng Hà Tiên. Nhà máy xi măng Hà Tiên là nhà máy sản xuất xi măng đầu tiên và lớn nhất của nước ta sau ngày đất nước thống nhất. Trong công việc lao động hàng ngày, chàng trai trẻ Hoàng Đức Thảo nổi lên là người làm việc khéo tay và nhiều sáng kiến, chứng tỏ sự vượt trội so với những công nhân cùng trang lứa.

Chỉ làm việc trong một tháng, ông Thảo đã luôn vượt kỷ lục về năng suất, chất lượng và thời gian, nên được bố trí làm Tổ trưởng tổ thép hình,  thuộc xưởng cốt thép, xí nghiệp bê tông cốt thép. Cũng trong thời gian làm việc ở đây, ông đã tạo điều bất ngờ khiến lãnh đạo đơn vị và cả chuyên gia Liên Xô khâm phục về sáng kiến và biết đến tên ông, Hoàng Đức Thảo: sáng kiến làm gông đỡ để giảm lực đẩy trở lại làm đứt lưỡi cắt sắt. Đây là sáng kiến đầu đời của ông. Nhưng đặc biệt cũng trong năm đó, ông lại khiến mọi người sửng sốt khi có tiếp sáng kiến thay thế cóc-kê ngăn cách giữa hai lớp thép bằng râu thép đầu cọc. Sáng kiến này khiến chuyên gia Liên Xô càng thấy “tâm phục khẩu phục” ông.

Đang là công nhân giỏi, thợ tay nghề cao, ông Thảo được lãnh đạo Công ty quyết định cử đi học ngành kế toán xây dựng cơ bản tại Trường trung học xây dựng số 7, Bộ Xây dựng (quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh).

Tháng 9.1984, ông Hoàng Đức Thảo ra trường và về làm kế toán ròng rã suốt 10 năm. Ông chuyển về làm việc ở Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và được giao chức Trưởng phòng Tài vụ Xí nghiệp hợp doanh xây lắp, thuộc Sở Xây dựng, Kế toán trưởng các công trình xây dựng. Sau một thời gian, ông được cấp trên chuyển sang làm cán bộ quản lý đơn vị: Phó giám đốc Ban quản lý xây dựng công trình Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ năm 2003, ông Hoàng Đức Thảo làm Giám đốc, sau đó giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH nhà nước MTV Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BUSADCO).

Chính từ khi đảm nhiệm vị trí công tác này, ông Thảo có cơ hội thể hiện tài năng của mình. Khó có thể tìm được một con người đa tài như ông Hoàng Đức Thảo, vừa là một nhà quản lý giỏi, lại là người giành được nhiều đỉnh cao trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ. Trước hết, ông luôn cống hiến sức mình cho người dân nơi ông đang sống và làm việc.

Người dân từng sống ở Vũng Tàu đều thấu hiểu, họ có thành phố “xanh-sạch-đẹp” ngày nay bởi cách đây ba thập kỷ đã có cuộc cách mạng lớn về môi trường. Vị chỉ huy làm cuộc cách mạng ấy chính là anh hùng Hoàng Đức Thảo. Người dân Vũng Tàu rất phục ông, họ thường nói: “Có Công ty Busadco, người dân Vũng Tàu mới được tận hưởng không khí trong lành ngày hôm nay”. Bởi ngày trước, tình trạng ngập úng xảy ra thường xuyên, nhiều con đường biến thành sông mỗi khi mưa. Nước thải trộn lẫn nước mưa, chảy tràn xuống các bãi tắm gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường du lịch, môi trường đô thị.

Cũng trên cương vị công tác của mình, ông Hoàng Đức Thảo có điều kiện làm việc, nghiên cứu khoa học và đạt được nhiều thành công. Ít người có thể ngờ ông Thảo đã có trong tay số bằng sáng chế gần gấp đôi số tuổi đời của ông. Người ta thường tâm đắc, ấn tượng với một điều kỳ lạ ở ông: từ một người công nhân trở thành nhà khoa học xuất sắc. Nhưng người ta cần biết một điều, như chính ông tự nói về mình: “Tôi không được đào tạo một cách bài bản, nhưng quá trình tự học, tự nghiên cứu của tôi thì rất bài bản và khoa học”. Đây chính là một yếu tố cơ bản để có một Hoàng Đức Thảo, con người của những kỷ lục.

CON NGƯỜI CỦA NHỮNG KỶ LỤC

Ông Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam Busadco, là một người khá hiếm và độc đáo trong giới nghiên cứu khoa học.

Đến tháng 06.2021, Ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 108 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích và chấp nhận đơn, 228 bằng kiểu dáng công nghiệp và chấp nhận đơn. Bộ Khoa học Công nghệ đã chứng nhận ông là người sở hữu nhiều quyền sở hữu trí tuệ nhất Việt Nam. Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã phong cho ông danh hiệu “Tác giả có nhiều bằng Độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích nhất Việt Nam”.

Ông Thảo có một gia tài khoa học công nghệ rất đồ sộ với 70 sản phẩm KHCN được cấp giấy chứng nhận; Từ các công nghệ, giải pháp kỹ thuật và sản phẩm do ông là tác giả, đã thiết lập và xây dựng được tiêu chuẩn quốc gia nâng cấp từ tiêu chuẩn cơ sở, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý kỹ thuật. Từ tiêu chuẩn cơ sở của BUSADCO, Hội đồng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và Bộ KHCN đã ban hành 18 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và 14 chứng chỉ của các Bộ, ngành.

Đặc biệt, ông đã vinh dự được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 5 về Khoa học công nghệ cho tác giả cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Ông cũng là người Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng về khoa học của các tổ chức quốc tế nhất. Mới đây nhất, từ WorldKings, ông đạt kỷ lục thế giới về “Nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng thực hành và thực chứng kết quả đồng bộ. Với quá trình nghiên cứu, chế tạo, sáng tạo giải pháp, điều phối thi công và vận hành các sản phẩm từ chính hoạt động Khoa học công nghệ theo chu trình khép kín đã ứng dụng vào các lĩnh vực, công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, phục vụ dân sinh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu đạt số lượng bằng sở hữu trí tuệ nhiều nhất thế giới”.

Nghiên cứu khoa học của ông Hoàng Đức Thảo và Busadco là nghiên cứu - ứng dụng, được hình thành từ sự cấp thiết của thực tiễn, nhằm đáp ứng ngay nhu cầu của đời sống xã hội. Động lực nghiên cứu khoa học của ông xuất phát từ tình thương yêu và sự đồng cảm với nỗi khổ của người lao động. Ông Thảo tâm sự: “Cảm nhận nỗi khổ của người công nhân dầm mình trong dòng nước cống đen kịt, hôi thối, độc hại đã thôi thúc tôi thực hiện đề tài “Cụm tời máy nạo vét hệ thống thoát nước”. Lần thử nghiệm đầu tiên, nhìn những công nhân đứng trên miệng cống điều khiển nhẹ nhàng, dây tời lướt tới đâu, rác rưởi và bùn đọng bong sạch tới đó, tôi hét thật to như vỡ tung cả lồng ngực vì sung sướng. Từ đây, người công nhân được giải phóng, không phải chui vào cống, trực tiếp đối mặt với các chất thải độc hại, bùn rác và nguy cơ nhiễm bệnh cao”. Với động lực nghiên cứu đó, người ta đã biết đến ông với những công trình khoa học có một không hai, những công trình “vị nhân sinh, vì môi trường”.

Khoa học “vị nhân sinh” là động lực nghiên cứu - ứng dụng của ông Hoàng Đức Thảo. Nhưng để có gia tài khoa học công nghệ đồ sộ nêu trên, động lực nghiên cứu đó phải dựa trên trí tuệ, khả năng sáng tạo, sức làm việc phi thường của ông. Trước tiên, cần những ý tưởng nghiên cứu khoa học. Ông Thảo nói: “Từ thực tế, tôi liên tục nảy ra các ý tưởng... Tôi cho rằng, trong nghiên cứu, từ ý tưởng rất nhỏ, nhưng để ý một chút, cứ đắm đắm vào cái đó sẽ tìm ra lối thoát và bật ra được ý tốt”.

Ông Hoàng Đức Thảo cũng thường nhấn mạnh về mục tiêu và phương thức làm nghiên cứu của mình: “Khác với mọi người, tôi không để ý người khác làm. Tôi chỉ quan sát thực tế, thấy công việc đó hạn chế, bất cập thì tôi tìm cách thay đổi nó để làm sao nhanh hơn, chất lượng hơn và rẻ hơn. Đột phá có tính quyết định sự thành công của tôi là nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giải quyết những vấn đề thiết thực, những bức xúc, nóng bỏng của thực tiễn cuộc sống, những bất cập, hạn chế của kỹ thuật truyền thống...”

Ông Thảo rất coi trọng sự sáng tạo trong nghiên cứu. Ông luôn đòi hỏi chính ông và những người làm việc bên ông cần phải sáng tạo, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm. Ông nhấn mạnh: “Tôi luôn tâm niệm và suy nghĩ phải thay đổi giải pháp truyền thống nếu cảm thấy cần thiết. Chúng ta phải luôn nhận thức và hình thành được những hướng nghiên cứu mới. Nếu cứ đi hoài theo một lối mòn, không giải quyết được những bất cập, hạn chế hiện nay thì không bao giờ phát triển nhanh, mạnh và bền vững được. Đây cũng là mục tiêu của bản thân tôi cũng như Busadco đặt ra trong suốt quá trình hoạt động nghiên cứu, sản xuất của mình”.

Và tiếp sau đó, thành công của ông Hoàng Đức Thảo chính ở sự đam mê và lòng kiên nhẫn của ông. Ông tâm sự: “Niềm đam mê nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ đã ăn sâu vào máu, và nó như một nhu cầu không thể thiếu của bản thân tôi”. Ông nói thêm: “Lúc đầu, do còn nghi ngại nên việc thuyết phục mọi người ứng dụng công nghệ, sản phẩm sáng tạo khoa học công nghệ mới là việc cực kỳ khó khăn. Tôi đã rất kiên trì, nhẫn nại và tất nhiên, để đi đến thành công đều không thể tránh khỏi thất bại. Song điều quan trọng nhất là phải kiên trì, nhẫn nại và có mục tiêu”.

Đạt nhiều thành tựu trong khoa học, thế nhưng ông chưa bao giờ có ý định dừng lại những nghiên cứu của mình. Sức khám phá, sáng tạo dường như là không có giới hạn ở con người đam mê khoa học này… Biết bao công trình không tưởng từ những ý tưởng của ông đã biến thành sự thật, hiện diện ở những vị trí trọng yếu và linh thiêng hàng đầu Việt Nam.

Trong những công trình khoa học nổi tiếng của ông Thảo, có những công trình thật ấn tượng, người ta không thể quên:

Từ nơi đầu sóng ngọn gió nhất của biển Tiền Hải - Thái Bình

Những bạn bè đồng niên của ông Hoàng Đức Thảo kể lại, ngày còn bé ở quê lúa Thái Bình, ông đã là thủ lĩnh trong đám trẻ con đi đánh cá. Ông cực giỏi trong việc “đón lõng” dòng cá về, luôn là người đầy giỏ trước nhất. Hỏi ông, ông kể lại, ngày đó, mỗi lần cầm nơm đi đơm cá, đặt nơm xuống bùn đất, ông cảm giác như có một lực hút khiến cái nơm của ông vững chắc hơn. Con cá vào nơm tha hồ quẫy, nơm vẫn đứng hiên ngang. Ông bảo, đến bây giờ ông vẫn nhớ được cảm giác của mình khi cảm nhận được sức hút của bùn đất năm nào.

Đó chính là tiền đề để ông Thảo nghĩ đến một sản phẩm kè bờ sông, hồ, đê biển, vững chãi và hiên ngang trước mọi cơn bão, ứng phó với mọi vấn đề của biến đối khí hậu. Theo Tổ chức môi trường thế giới dự báo, Việt Nam là một trong số những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi nước biển dâng. Số liệu công bố của các nhà khoa học thế giới cảnh báo: Nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 10% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp; khoảng 90% diện tích trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hoàn toàn; hơn 4% lãnh thổ Việt Nam bị ngập vĩnh viễn, đồng nghĩa với khoảng 20% số xã trên cả nước và hơn 9.200km đường giao thông bị xóa sổ. Và vùng châu thổ sông Hồng, trong đó có Thái Bình, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước thực trạng đó, năm 2013, tại tỉnh Thái Bình đã có một việc làm táo bạo mà tại thời điểm đó chưa có tỉnh duyên hải nào trong cả nước làm được. Đó là, toàn bộ mặt đê và mái đê trực diện với biển dài hàng chục cây số được cứng hóa bằng bê tông dài nhất với thời gian thi công nhanh nhất. Kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, người ta phải có những biện pháp góp phần chống biến đổi khí hậu, là nguyên nhân chính làm nước biển dâng. Bên cạnh những giải pháp trồng rừng ngập mặn, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường... tỉnh Thái Bình đang rất cần một bản thiết kế làm kè chắn sóng, quai đê lấn biển phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh trong thời kỳ đổi mới.

Từ thành phố biển Vũng Tàu, ông Hoàng Đức Thảo đau đáu nghĩ về Thái Bình quê hương. Ông đưa ra một giải pháp táo bạo mà ông đã ấp ủ bấy lâu: áp dụng thử nghiệm mô hình đúc sẵn khung hộp bê tông làm kè chắn sóng, quai đê, lấn biển ở hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy tỉnh Thái Bình. Việc áp dụng giải pháp này cũng không kém phần mạo hiểm. Tỉnh Thái Bình chỉ có hơn 50km bờ biển và hàng chục ki-lô-mét đê. Hệ thống đê đã được kiên cố hóa bằng bê tông, nhưng chủ yếu nằm trên nền cát yếu, không đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa mưa bão. Biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng đang là thách thức với Thái Bình, với Việt Nam, các nước trong khu vực và toàn thế giới. Đã có những người cảnh báo ông Thảo: địa chất, hải văn khu vực tỉnh Thái Bình không hề đơn giản! Với ý chí và niềm tin khoa học, năm 2015 ông đề xuất với lãnh đạo tỉnh Thái Bình dự án “Kè bãi nâng bảo vệ đê biển”. Để giải bài toán thi công an toàn ở đê biển Tiền Hải, Thái Bình, ông Thảo phải trả lời các câu hỏi mà ông tự đặt ra: Làm thế nào để chống lại tình trạng lật kè, chống lại tình trạng trượt chân, tức là mất chân kè? Và quan trọng nhất là làm thế nào để chống lại tình trạng lún sụt? Những câu hỏi này bắt nguồn từ thực địa, nền cát yếu. Nhưng ông Thảo tin vào khả năng của mình, tin vào cộng sự.

Ngày khởi công công trình của Busadco diễn ra không ồn ào. Ông Thảo và đồng nghiệp Công ty Busadco lặng lẽ làm việc một cách chắc chắn. Bất kể ngày đêm, khi nước rút là bắt tay làm việc. Ông Thảo đã đánh cược cả danh dự cá nhân và uy tín doanh nghiệp vào từng cấu kiện bê tông. Trong thời gian đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có dịp về thăm và làm việc tại tỉnh Thái Bình. Chủ tịch đến thăm các công trình của Busadco và khen ngợi tinh thần dám nghĩ, dám làm, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ dân sinh, từng bước chinh phục thiên nhiên của Busadco.

Như vậy, Thái Bình là tỉnh đầu tiên của cả nước đã đi đầu trong việc bảo vệ đê biển bằng công nghệ mới. Ông Nguyễn Hữu Rong, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh Ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình đã nói về tầm quan trọng của tuyến đê biển Thái Bình và ý nghĩa lâu dài của kè nâng bảo vệ chân đê biển như sau: “Thái Bình chọn công nghệ của Busadco làm kè nâng bảo vệ đê biển vì sản phẩm đúc sẵn có công nghệ cao, chất lượng tốt, có tính bền vững, thi công rất thuận lợi và giá thành hợp lý”. Khi hoàn thành, công trình được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhận xét là bền vững hơn hẳn các công trình kè biển khác. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết: đây là nơi đầu sóng ngọn gió nhất của đê biển Thái Bình, công trình không chỉ ngăn chặn hiệu quả xói lở ven bờ mà còn giúp lấn biển gần một cây số.

…người anh hùng trị thủy ở Cà Mau

Do ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ biển tại tỉnh Cà Mau ngày càng nghiêm trọng. Mỗi năm, nơi này có đến hàng trăm hecta đất xói lở. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân ven biển, tỉnh Cà Mau đã áp dụng nhiều giải pháp khoa học công nghệ mới nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở bờ biển. Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, địa phương đã tìm kiếm nhiều công nghệ chống xói lở bờ biển như: công nghệ kè bản nhựa, gõ đá, bê tông ly tâm, đê trụ rỗng... Các công nghệ này được áp dụng với giá thành rất cao, khoảng 30 tỷ đồng/km.

Năm 2018, khu vực ven biển Kinh Mới - Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau có đoạn bờ biển bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng dài 1.200m. Đây là đoạn bờ biển bị sạt lở liên tiếp do sóng đánh trực diện vào chân đê, tạo thành nhiều hốc lồi lõm sâu và vách đứng, nguy cơ vỡ đê là rất cao, nếu không kịp thời xử lý sẽ mất an toàn đối với toàn bộ khu vực dân cư thị trấn Rạch Gốc ven biển Cà Mau. Thủ tướng Chính phủ ra quyết định ứng cứu khẩn cấp, làm kè bảo vệ đê biển Đông và Tây Cà Mau ngay trong mùa mưa bão năm đó. Tổng Giám đốc Hoàng Đức Thảo đã tiên phong thực hiện quyết định ứng cứu khẩn cấp này.

Công nghệ ông Thảo ứng dụng ở đây là vật liệu bê tông cốt phi kim, kết hợp vật liệu mới cốt sợi polypropylene, thay thế cho cốt thép dùng trong bê tông thông thường, có khả năng chống ăn mòn trong môi trường nước mặn, sản xuất trên dây chuyền bê tông thành mỏng đúc sẵn. Do vậy nó có thể khắc phục được những yếu tố bất lợi về thời tiết, khí hậu, thủy văn trong quá trình thi công.

Ít người biết rằng, ông Hoàng Đức Thảo khi đó đang đương đầu với công việc đầy khó khăn, thử thách. Bởi những thông tin về sạt lở bờ biển Cà Mau vẫn được đưa về mỗi ngày. Bờ biển Cà Mau luôn ở trong tình thế cấp bách cần phải bảo vệ. Đặc biệt hơn và cũng khó khăn hơn khi Busadco sẵn sàng nhận công trình ngay trong mùa mưa bão, thời điểm những cơn bão lớn không ngừng dội vào bờ biển đang mỗi ngày một sói mòn đất. Đê biển nơi đây đang oằn mình chịu bão và nguy cơ những cơn sóng vượt đê vào đất liền là hoàn toàn có thể xảy ra…

Nhà khoa học Hoàng Đức Thảo không ngần ngại thử thách. Những chuyến xe đi ngay trong đêm khi nghe tin có cơn bão lớn tràn vào bờ. Những quyết sách chưa từng xảy ra “đánh chìm sà lan để cứu đê biển” cũng đã được đưa ra. Tất cả chỉ với mục đích duy nhất: bảo vệ bờ biển, bảo vệ đất liền và giữ vững từng centimet đất quý giá cho Cà Mau. Nhưng có lẽ ông không ngờ ông lại gặp khó khăn đến thế ở biển Đông Cà Mau. Khoảng 300 mét kè hoàn thành ngay trong lần thi công đầu tiên đã không thể trụ vững sau cơn bão kỷ lục. Ông tâm sự “Khi bắt tay vào làm kè biển Tây, tôi nhận ra đã có sự thay đổi về các yếu tố liên quan đến địa chất, những thông số của những cơn bão, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Tôi vừa làm vừa tiếp tục nghiên cứu để phải đưa ra bằng được công nghệ cấu kiện mới, phù hợp để bảo vệ biển Đông Cà Mau”.

Phẩm chất của một nhà khoa học đam mê nghiên cứu càng có cơ hội phát huy lúc này. Sự sáng tạo trong ông Hoàng Đức Thảo càng được kích thích. Bao nhiêu phương án được ông đưa ra để cân đong đo đếm. Bao nhiêu loại hình cấu kiện được thử để tìm ra được loại phù hợp nhất để chống chọi với sóng to, bão lớn ở bờ biển đông Cà Mau.

Và cuối cùng, sóng biển Đông Cà Mau cũng đã chịu khuất phục trước ý chí và sự miệt mài của một nhà khoa học.

Tiếp tục theo dõi hiệu quả của công nghệ “Cấu kiện lắp ghép, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” của ông Hoàng Đức Thảo, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá: “Công trình đảm bảo hiệu quả ổn định, có khả năng gây bồi tạo bãi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn. Ngoài ra, cấu kiện công nghệ gọn nhẹ, thuận lợi cho việc thi công và lắp đặt, phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, lũ, sóng và triều cường, chống đứt gãy, lún sụt cục bộ, sạt lở, xói mòn”.

Đặc biệt, công nghệ của ông Thảo áp dụng có giá thành hạ thấp so với các công nghệ trước đây mà tỉnh đã áp dụng: chỉ còn 18 tỷ đồng/km. (Trước đây là 30 tỷ đồng/km). Đặc biệt hơn, Công ty Busadco lại có cách triển khai đầu tư vào thi công công trình một cách khác thường. Busadco cam kết ứng trước vốn để thi công, chấp nhận thanh toán sau khi được nghiệm thu đánh giá hiệu quả, đồng thời cam kết hoàn thành công trình trong mùa mưa bão năm 2018, quá trình thi công có giải pháp bảo vệ an toàn đê biển trong phạm vi thi công.

Rõ ràng ông Hoàng Đức Thảo coi trọng trên hết là sự an toàn tính mạng, tài sản của người dân, là bảo vệ biển và môi trường biển Cà Mau. Một lần nữa, ông càng khẳng định, những nghiên cứu khoa học của ông, những công trình ứng dụng khoa học công nghệ của ông là “vị nhân sinh, vì môi trường”.

….đến 65 ngày đêm hào hùng kè hồ Hoàn Kiếm…

Ngay giữa thủ đô linh thiêng, hào hoa, kè Busadco đã hiện hữu như một phần của lịch sử…

Công trình thi công kè hồ Hoàn Kiếm thuộc Dự án xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Đây là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2007. Nhưng đến tận đầu năm 2020, Dự án vẫn chưa chọn được nhà thầu thi công. Lý do là chưa doanh nghiệp nào có giải pháp phù hợp với tiêu chí và yêu cầu thi công cực kỳ khắt khe trên nhiều mặt. Là công trình nhóm A cấp quốc gia đặc biệt, việc thi công vừa phải tuân thủ Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, vừa phải thực hiện nghiêm ngặt theo Luật Di sản.

Nhiệm vụ chính là kè có 1,5 km bờ hồ Hoàn Kiếm, nhưng công việc thi công được đòi hỏi: không được dùng tường vây, đê bao dưới hồ, không làm thay đổi mực nước hồ; không được làm đường công vụ, phải giữ nguyên trạng nền tự nhiên của đáy hồ, giữ nguyên cây xanh quanh hồ, không phá vỡ kết cấu nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè quanh hồ, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiếng ồn, bụi và không xả thải trong quá trình thi công. Quá trình thi công cũng không được làm ảnh hưởng đến các công trình di tích văn hóa lịch sử; không ảnh hưởng đến giao thông đô thị, đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần thường ngày của người dân thủ đô Hà Nội. Với các nhà thầu, đây quả là những yêu cầu “thép”. Cuối cùng, sau 13 năm, dự án trên đã chọn được nhà thầu đủ năng lực và điều kiện đáp ứng những yêu cầu “thép” này, đó là Busadco.

Ông Hoàng Đức Thảo, trong thời điểm giữa tháng 6.2020, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, với quyết tâm cao độ, đã cùng đội ngũ Busadco xuất quân, vì một mục tiêu tối thượng: hoàn thành công trình với chất lượng cao nhất, mỹ thuật hoàn hảo nhất trước ngày Quốc khánh 2.9.2020.

Kể về những ngày tháng hào hùng, chỉ huy hàng trăm công nhân và kỹ sư kè hồ Hoàn Kiếm trong điều kiện vô cùng khó khăn với tầng tầng lớp lớp các điều kiện được chủ đầu tư đưa ra, ông Thảo nói “Không biết lấy sức lực ở đâu ra nữa”. Quả đúng như vậy. Bản thân ông là tổng chỉ huy công trường, thường xuyên xử lý giải quyết những điểm nóng là chuyện xảy ra hàng ngày. Nhưng những người chứng kiến cường độ lao động của ông trong 65 ngày đêm khi thì nắng cháy da, lúc mưa bão ngập đường, ngập phố vẫn không thể tin được dường như ông có mặt 100% thời gian thi công mỗi ngày…

Có những lúc các phương án thi công dường như bế tắc vì điều kiện thi công cũng như địa hình thi công thực sự là một thử thách, nhưng ông chưa bao giờ dừng lại. “Khó thế nào cũng sẽ có cách khắc phục để hoàn thành công trình lịch sử này”, ông nói với những “chiến tướng” của mình như vậy. Những cuộc họp liên tiếp được tổ chức tại công trường để tìm ra mọi cách thi công đoạn ngang qua cầu Thê Húc, đoạn được coi là “xương” nhất trong toàn bộ dự án kè Bờ Hồ.

Và rồi dự án đã hoàn thành sớm hơn kế hoạch đến gần 30 ngày, một kỷ lục không tưởng trong điều kiện thi công vô cùng ngặt nghèo, xứng đáng là công trình trọng điểm kỷ niệm 66 năm ngày giải phóng thủ đô và 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nếu biết rằng, kè bờ hồ Hoàn Kiếm là trăn trở trong khoảng 10 năm của các thế hệ lãnh đạo Hà Nội thì mới hiểu được những thách thức cực lớn mà ông Thảo và Busadco phải đối đầu khi quyết tâm thi công công trình này...

Cùng với công trình kè bờ hồ Hoàn Kiếm, những gì mà AHLĐ Hoàng Đức Thảo đã làm trong suốt thời gian qua là minh chứng rõ nhất cho chất xám, trí tuệ của người Việt. Trong khi biến đổi khí hậu đang là thách thức của toàn cầu thì ở Việt Nam, nhà khoa học này vẫn đang ngày đêm tìm ra những cách thức để “ngăn bão, chặn sóng và lấn biển”, để bảo vệ và mở rộng lãnh thổ cho dải đất hình chữ S thân thương…

Lãnh đạo doanh nghiệp bản lĩnh, trí tuệ

Dưới sự lãnh đạo, điều hành của ông Hoàng Đức Thảo, sau 18 năm hình thành và phát triển, Busadco đã đạt nhiều thành tựu, khẳng định vị trí dẫn đầu ngành thoát nước và trở thành doanh nghiệp khoa học công

nghệ tiên phong ở Việt Nam. Năm 2011, ông được vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và một năm sau, danh hiệu cao quý này được phong tặng cho Công ty của ông. 

Nhớ lại ngày đầu thành lập, tháng 09.2003, Busadco vốn liếng chỉ có 10 tỷ đồng và 32 lao động. Số nhân lực này chủ yếu là lao động phổ thông, không được đào tạo chuyên môn, không có kĩ sư thoát nước và môi trường. Công nghệ của Công ty thì lạc hậu, chủ yếu là công cụ thô sơ, thủ công, dùng sức người nên năng suất lao động thấp, lại cực nhọc, nguy hiểm và độc hại.

Sau 18 năm, Busadco đã vươn lên trở thành doanh nghiệp có qui mô hàng đầu cả nước trong lĩnh vực thoát nước và nghiên cứu ứng dụng Khoa học công nghệ. Đến nay, Công ty đã có gần 700 lao động giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, trong đó có trên 160 thạc sỹ, kỹ sư đang hiện thực hóa những phát kiến của tác giả Hoàng Đức Thảo về đổi mới và phát triển công nghệ.

Đến năm 2021, Busadco đã có 12 nhà máy trên ba miền đất nước; trên hơn 150 sản phẩm đã được thị trường hóa và đang tiêu thụ ở 53/63 tỉnh thành trên cả nước trong đó có 16 tỉnh, thành ban hành chủ trương ứng dụng trên địa bàn và lan tỏa tới Lào và Malaysia; Công ty đã thương mại hóa thị trường khoa học và công nghệ rất thành công bởi tính vượt trội, độc đáo, chất lượng cao mà giá thành thấp của các sản phẩm.

Sản phẩm của Busadco được ứng dụng rất hiệu quả trong các chương trình mục tiêu quốc gia như: Nước sạch và vệ sinh môi trường; chống ngập úng; ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng nông thôn mới; xóa đói giảm nghèo… góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thành công của ông Hoàng Đức Thảo và Busadco có được bởi Công ty tuân thủ một nguyên tắc: lấy sáng tạo khoa học công nghệ làm bước đột phá cho quá trình phát triển mới.

Ông Hoàng Đức Thảo là người có biệt tài về sự kết hợp giữa hoạt động nghiên cứu khoa học và kinh doanh. Hàng năm doanh thu từ các sản phẩm khoa học công nghệ của Busadco chiếm từ 80 - 85% doanh thu

toàn công ty. Theo ông Thảo, “Đó là điểm rơi lý tưởng kéo theo lợi nhuận và nâng cao thu nhập cho người lao động công ty. Khi đời sống và điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện, không ai khác - người lao động sẽ tiếp tục cống hiến cho sự phát triển doanh nghiệp”. Nghĩ về người lao động, quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần cho người lao động là một định hướng xuyên suốt của tập thể Ban lãnh đạo Busadco.

Chính sách nhân tài của ông Hoàng Đức Thảo cũng thật điển hình. Người giỏi, có tâm huyết là ông kêu gọi về Busadco đầu quân và sử dụng đúng người đúng việc. Ông tâm niệm: dụng nhân như dụng mộc, người lao động được sắp xếp vào vị trí theo đúng sở trường sở đoản của mình thì sẽ phát huy hết được năng lực lao động và sáng tạo, từ đó góp phần tích cực vào sự phát triển chung của Công ty.

Văn hóa quản lý doanh nghiệp của ông Hoàng Đức Thảo cũng xuất phát từ cái tâm của người lãnh đạo. Xử lý thế nào khi nhân viên làm sai? Trả lời câu hỏi này, ông triết lý: “Những lỗi sai đôi khi là chất xúc tác tuyệt vời cho thành công. Thường chỉ sau thời gian ngắn, tôi sẽ biết nhân viên nào của mình đã làm sai và làm sai ở thời điểm nào. Từ thực tế này, tôi sẽ biết cách cư xử của mình với họ cho đúng mực. Chuyện mắc lỗi là thường tình ở con người. Tôi muốn doanh nghiệp của mình, tổ chức của mình xây dựng một môi trường mà ở đó mọi người có thể chia sẻ với nhau những lỗi lầm của họ trước khi chúng trở thành những vấn đề lớn, nghiêm trọng. Trong văn hóa người Á Đông, thẳng thắn với khuyết điểm của một ai đó thường là điều tế nhị, khó nói. Chính vì vậy, với vai trò lãnh đạo, tôi luôn khuyến khích và động viên nhân viên dưới quyền nhận trách nhiệm và sửa sai. Ở mức độ nào đó thì ta thông cảm, xử lý một cách thấu tình đạt lý. Mọi người không quanh quẩn với lỗi sai, không chơi trò đổ lỗi cho nhau”. Văn hóa này của người lao động Busadco được giáo dục ngay từ ngày đầu họ thử việc ở Công ty.

Là người rất thành công trong lãnh đạo, quản lý và đặc biệt trong nghiên cứu khoa học, ông Hoàng Đức Thảo có những nhắn nhủ chân tình với giới trẻ: “Tôi vẫn thường chia sẻ với các cộng sự trong Công ty, làm gì, nghiên cứu gì cũng phải nghĩ đến người dân, những người trực tiếp hưởng lợi từ những sản phẩm của mình. Chỉ khi đặt con người vào vị trí trung tâm thì chúng ta mới có thể sáng tạo ra những sản phẩm thật sự hữu ích. Đó cũng là điều tôi muốn nhắn nhủ tới các nhà khoa học trẻ. Tôi mong muốn những công trình nghiên cứu khoa học của họ được cuộc sống đón nhận, được ứng dụng trong thực tiễn. Các nhà khoa học trẻ hãy mạnh dạn, tự tin vào chính mình và phải biết thổi bùng niềm đam mê. Bởi chỉ khi ấy mới thành công trên con đường nghiên cứu khoa học vốn rất gian nan”.

Theo: NGUYỄN THỌ - HOÀI THU

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

THƯ VIỆN VIDEO

LIÊN HỆ

  • Số 6 Đường 3 tháng 2, Phường 8, Thành phố Vũng Tàu
  • (0254) 3853125; (0254) 3511103

  (0254) 3511385

  • This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

MST: 3500614211

Scroll to top